Hãy bắt đầu bằng nụ cười !

QUẬN THANH XUÂN CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT

Hiện nay dịch bệnh Sốt xuất huyết đang gia tăng do nắng nóng xen kẽ các trận mưa tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển. Để chủ động phòng chống dịch, quận Thanh Xuân đã triển khai đồng bộ các biện pháp:Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch cho cộng đồng bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa phát thanh phường, trên nhóm Zalo, qua các hội nghị giao ban, họp dân cư…; Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch, giám sát các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ để xử lý dịch kịp thời, triệt để không để dịch lây lan; Kiện toàn 04 đội cơ động phản ứng nhanh phòng, chống dịch tại Trung tâm Y tế quận, các phường kiện toàn các đội xung kích diệt bọ gậy và tổ giám sát; Duy trì công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch tại cộng đồng, toàn quận đã triển khai 02 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt mỗi trưởng thành trong tháng 4, tháng 6 và sẽ tiếp tục triển khai các chiến dịch trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Minh Hải – Giám đốc TTYT quận Thanh Xuân kiểm tra công tác môi trường phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết tại cộng đồng

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do muỗi truyền (muỗi vằn), bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh sau đó truyền cho người lành. Người mắc bệnh Sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột liên tục từ 2-7 ngày, mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn, da xung huyết, phát ban, đau mỏi cơ xương khớp, nhức 2 hố mắt, vật vã, li bì, đau bụng vùng gan và có thể biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, nặng có thể gây tử vong.

Phun thuốc muỗi tại hộ dân trong Chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.

Bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân cần cần tích cực tham gia công tác phòng chống dịch, chủ động thực hiện một số biện pháp sau:

– Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, các dụng cụ chứa nước khác như xô, thùng, chậu, chai, lọ…;

– Thả cá vào lu, chum, vại, bể nước để diệt loăng quăng, bọ gậy;

– Thường xuyên thau rửa dụng cụ chứa nước, thay nước bình hoa, đổ nước đọng tại khay nước thải tủ lạnh…;

– Loại bỏ, lật úp các vật phế thải như: chai, lọ, vỏ dừa, lốp, vỏ xe cũ, các hốc chứa nước để không cho muỗi đẻ trứng.

  • Ngủ màn, mặc quần áo dài ngay cả ban ngày, sử dụng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
  • Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt loăng quăng, bọ gậy và các đợt phun hóa chất diệt muỗi.
  • Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

“HÃY CHUNG TAY CÙNG CỘNG ĐỒNG ĐẨY LÙI SỐT XUẤT HUYẾT”

“KHÔNG CÓ BỌ GẬY – KHÔNG CÓ SỐT XUẤT HUYẾT”

“KHÔNG CÓ MUỖI VẰN – KHÔNG CÓ SỐT XUẤT HUYẾT”

 

Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *