Hãy bắt đầu bằng nụ cười !

QUẬN THANH XUÂN ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, tình hình bệnh Sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng tăng trong 7 tuần gần đây. Tính đến 23/10, cả nước ghi nhận 106.869 trường hợp mắc, 27 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội ghi nhận 23.314 ca mắc, 4 trường hợp tử vong, phân bổ 30/30 quận/huyện. Số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Tại quận Thanh Xuân số ca SXH là 928 ca (trong đó có 20 ổ dịch, hiện 19 ổ dịch trên đã kết thúc).

Để chủ động phòng chống dịch SXH, UBND quận Thanh Xuân đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành đoàn thể quận, UBND các phường, hệ thống chính trị khu dân cư tăng cường công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn quận, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế quận, UBND các phường tổ chức Chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy đợt 4 và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành đợt 3 phòng, chống bệnh SXH.

Chiến dịch vệ sinh môi trường đợt 4 được triển khai tại 11/11 phường trên địa bàn quận, từ ngày 29/9/2023 đến ngày 20/10/2023. Hoạt động này đã thể hiện sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, sự tham gia tích cực của các ban ngành, đoàn thể và người dân trong việc tổng vệ sinh môi trường, đặc biệt tuyên truyền hướng dẫn cách thức và vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia các hoạt động diệt bọ gậy tại khu vực sinh sống, chủ động thu dọn vật dụng, phế thải chứa nước, thả cá… nơi có khả năng phát sinh bọ gậy; đồng thời khuyến cáo người dân khi có các triệu chứng mắc bệnh chủ động tới các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Trong đợt Chiến dịch vệ sinh môi trường, Đội diệt bọ gậy chuyên nghiệp phòng chống SXH với 39 cán bộ y tế và 907 đội xung kích diệt bọ gậy với 2.158 người của 11 phường trực tiếp đến các hộ gia đình hướng dẫn người dân chủ động kiểm tra, phát hiện và diệt bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt hàng ngày, thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước; thả cá để diệt bọ gậy; loại bỏ những dụng cụ chứa nước không dùng đến để không cho muỗi đẻ trứng. Hướng dẫn người dân diệt muỗi và phòng muỗi đốt: Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; mặc quần áo dài tay; dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi…

Tính đến ngày 23/10/2023, đã triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường đợt 4 tại 11/11 phường. Kết quả tổng hợp đến nay: đã kiểm tra 41.802 hộ/ 43.324 hộ gia đình so với kế hoạch (đạt 96,5%), với  1124 CTV, Y tế và các lực lượng khác tham gia, đã xử lý 6.671 DCCN có bọ gậy/100.601 DCCN được kiểm tra, thả 1500 cá và phát 36.474 tờ rơi.

Cộng dồn đến nay đã phun hóa chất chủ động diện rộng tại 8/11 phường. Kết quả tổng hợp đến nay: đã phun hóa chất tại 20.911 hộ/ 23.087 hộ gia đình trong phạm vi khoanh vùng (đạt 90,6%), trong đó 18.593 hộ phun triệt để đạt 88,9%, 1.185 hộ không đồng ý chiếm 5,1%, 961 hộ vắng chiếm 4,2%.

Quận Thanh Xuân đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền về phòng chống sốt xuất huyết trên các hệ thống thông tin tuyên truyền: Báo chí, truyền hình, các Trang/Công thông tin điện tử quận, phường, trường học, qua hệ thống loa truyền thanh phường, qua các nhóm zalo của các khu dân cư, tổ dân phố nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin đến người dân về tình hình sốt suất huyết, cách phòng tránh bệnh ngay tại gia đình và cộng đồng…

Tình hình dịch vẫn tiếp tục tục diễn biến phức tạp, vì vậy việc phòng, chống bệnh SXH được xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, trước hết cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể từ quận,phường đến khu phố và toàn thể Nhân dân nhằm thực hiện thành công công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và SXH nói riêng. Với thông điệp “Không có loăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết” đang là giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng chống dịch SXH hiện nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *